Whirlpool là Tập đoàn thiết bị gia dụng lớn nhất Bắc Mỹ, phục vụ hơn 200 triệu dân và ghi nhận doanh thu năm 2020 tới 19 tỷ USD. Vì thế, cái bắt tay với Whirlpool không chỉ giúp Digiworld mở rộng ngành hàng mà còn gia tăng vị thế. Digiworld đã như thế nào để lọt vào “mắt xanh” Whirlpool và có kế hoạch ra sao trong năm 2022? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Đoàn Hồng Việt, Tổng Giám đốc của Digiworld để tìm hiểu thêm về câu chuyện này.
Digiworld vừa trở thành đối tác phân phối độc quyền cho Whirlpool. Có vẻ năm 2021 đã là năm rất may mắn, thuận lợi cho Digiworld?
Trong kinh doanh luôn có yếu tố may mắn nhưng quan trọng là nội tại doanh nghiệp. Phải có sự sẵn sàng về tổ chức và vận hành thì khi cơ hội đến, doanh nghiệp mới nắm bắt được cơ hội. Khi may mắn đến, doanh nghiệp sẽ dễ đạt tăng trưởng vượt trội.
Năm 2021 Digiworld ước đạt 21,000 tỷ đồng doanh thu, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ. Đây là kết quả từ sự tăng trưởng tất cả các ngành hàng kinh doanh. Trong đó, máy tính xách tay, máy tính bảng tăng mạnh do dịch Covid-19 xuất hiện đã thúc đẩy nhu cầu thị trường tăng. Hay Xiaomi gia tăng thị phần lên 17% ở Việt Nam và Apple lấy được thị phần từ hàng xách tay cũng góp phần giúp cho doanh thu Digiworld tăng mạnh.
Đà tăng thị phần của Xiaomi và Apple đã giúp cho doanh thu Digiworld tăng mạnh.
Sang năm 2022, kinh doanh của Digiworld liệu còn yếu tố tạo đột biến?
Năm 2022, Digiworld dự tính sẽ trình kế hoạch doanh thu đạt khoảng 28,000 tỷ đồng, tức tăng 40% so với năm 2021. Đây là mục tiêu dựa trên những gì chúng tôi đang làm chứ không phải tính trên những gì chưa chắc chắn nên có thể sẽ có đột biến. Chẳng hạn ở những ngành hàng mới như thiết bị gia dụng (Home Appliances) có thể tăng trưởng mạnh hơn kế hoạch vạch ra.
Home Appliances hiện là mảng mới của Digiworld nhưng đây là ngành có quy mô lớn, ước khoảng 1.4 tỷ USD. Digiworld sẽ nỗ lực để tăng dần thị phần ở đây.
Cái bắt tay với Whirlpool không chỉ giúp Digiworld mở rộng ngành hàng mà còn gia tăng vị thế
Digiworld đã tham gia phân phối cho khá nhiều ngành hàng. Vậy đâu là mảng trọng tâm trong năm 2022 của Công ty?
Ở những ngành hiện hữu như điện thoại, Công ty vẫn duy trì các hợp đồng với các đối tác như Xiaomi, Apple và tìm kiếm mở rộng hợp tác với các đối tác khác. Ví dụ Digiworld sẽ phân phối điện thoại cho Motorola ở ngách điện thoại siêu bền, ít hư hỏng khi va đập, ít hao pin, phù hợp cho công nhân, kỹ sư ở các công trường. Hoặc ở các sản phẩm thiết bị văn phòng và hàng tiêu dùng, Digiworld sẽ tiếp tục bổ sung thêm sản phẩm, nhãn hàng mới. Chẳng hạn Digiworld đã tham gia phân phối phần mềm của Microsoft. Tuy doanh số của các mặt hàng mới ước chỉ chiếm tỉ lệ thấp trong tổng doanh thu ở Digiworld nhưng chỉ tính riêng hàng tiêu dùng, công ty cũng đặt mục tiêu nghìn tỷ đồng.
Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm là cách để Digiworld phòng ngừa rủi ro phụ thuộc vào khách hàng lớn. Nếu để ý sẽ thấy tỷ trọng đóng góp của các khách hàng lớn vào doanh thu Digiworld ngày càng giảm dù kinh doanh vẫn tăng trưởng.
Chiến lược năm 2022 của Digiworld là tiếp tục bổ sung thêm sản phẩm, hãng hàng mới
Digiworld có mục tiêu chiếm 10% thị phần trong mảng Home Appliances và hướng tới công ty tỷ đô. Đó có phải là những mục tiêu tham vọng không?
Mô hình kinh doanh của Digiworld là cung cấp dịch vụ phát triển thị trường MES (Market Expansion Services) cho các nhãn hàng, với 5 chuỗi dịch vụ: Nghiên cứu thị trường, Phân phối, Tiếp thị & bán hàng, Thương mại điện tử và Hậu mãi. Hiện tại, Công ty đang triển khai MES cho khoảng 40% hợp đồng mà Digiworld đã ký. Từ mô hình này, chúng tôi thường nói vui là Digiworld có thể bán mọi thứ, từ cây kim cuộn chỉ đến tàu thủy, xe hơi
Riêng về Home Appliances, mục tiêu nắm giữ 10% thị phần của Digiworld là cả quá trình chứ không phải đạt ngay năm 2022. Chúng tôi dự tính, trong 28,000 tỷ đồng doanh thu ước đạt năm 2022 thì những lĩnh vực mới như mảng Home Appliances có thể góp 3,000 tỷ đồng. Năm 2022, bên cạnh phân phối cho Whirlpool, Digiworld sẽ phân phối hàng cho một thương hiệu nữa đến từ Trung Quốc. Hàng thiết bị gia dụng sẽ làm phong phú cho ngành hàng của Digiworld.
Về mục tiêu tỷ đô, chúng tôi không giới hạn là 1 tỷ đô hay 10 tỷ đô, cũng không đặt nặng doanh thu tỷ đô hay vốn hóa tỷ đô. Có thể bây giờ là doanh thu tỷ đô nhưng 2-3 năm sau là công ty vốn hóa tỷ đô. Chúng tôi quan tâm nhiều đến tầm vóc tỷ đô hơn, bám sát chiến lược 3C (cơ sở vật chất, con người và cơ hội) và liên tục củng cố 2 chữ C đầu tiên.
Ngoài đa dạng hóa sản phẩm, ngành hàng, Digiworld còn chuẩn bị gì thêm để đạt mục tiêu doanh thu tỷ đô năm 2022?
Chúng tôi đầu tư mở rộng, gia tăng kho bãi và nhân sự. Diện tích kho bãi của Digiworld năm 2022 ước tăng gấp 4 lần so với năm trước còn nhân sự cũng sẽ tăng nhưng không đột biến, chủ yếu tuyển mới ở các vị trí sales, marketing.
Digiworld vẫn tiếp tục chú ý đến chiến lược 3C mà cụ thể là bổ sung thêm tính năng ERP vào quy trình, giữ lại lợi nhuận để đầu tư và triển khai nhiều cách thức tuyển dụng đào tạo, giữ chân người tài. Tôi tin chuẩn bị tốt 2C đầu, cơ hội sẽ luôn tới.
Nếu chỉ dựa vào nội lực thì hình như chưa đủ. Doanh nghiệp có phải vẫn cần các nguồn lực bên ngoài hỗ trợ mới bứt phá được?
Digiworld có thuê tư vấn và sử dụng chất xám bên ngoài. Ví dụ trong HĐQT ở Digiworld có 2 người là thành viên độc lập. Một người giỏi trong ngành hàng tiêu dùng và một người dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực Healthcare. Họ tham gia cố vấn cho Digiworld.
Hoạt động M&A thì sao, thưa ông?
Năm ngoái, Digiworld chỉ mới triển khai 1-2 thương vụ nhỏ nhỏ. Năm nay, Digiworld để ngỏ và vẫn tìm kiếm các công ty mục tiêu. Đó là những công ty có sản phẩm phù hợp với hệ sinh thái của Digiworld, có quy mô nhỏ, có văn hóa tương đồng để không gặp mâu thuẫn, xung đột trong quá trình hợp tác…Với khoản đầu tư vào Viet Money, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư nhưng giữ tỷ trọng góp vốn tương tự năm ngoái.
Digiworld nhìn thấy cơ hội gì trong M&A?
Chiến lược mở rộng của Digiworld là không giới hạn nên Công ty nhìn thấy cơ hội ở khắp nơi. Nhưng như đã nói, quan trọng là phải chuẩn bị tốt để nắm bắt cơ hội và Digiworld đầu tư trong tâm thế thận trọng, đặt nặng tính hiệu quả nên chúng tôi thường xem xét kỹ lưỡng.
Hiện tại, chúng tôi đang tìm kiếm đối tác theo những ngành hàng của Digiworld. Ngoài ra, chúng tôi quan tâm tới văn hóa doanh nghiệp, mà cụ thể hơn là tính cách của người sáng lập.
Mô hình kinh doanh của Digiworld là cung cấp dịch vụ phát triển thị trường MES (Market Expansion Services) cho các nhãn hàng.
Digiworld đề cao những nét tính cách, văn hóa nào?
Digiworld coi trọng tính trung thực, dám nhận trách nhiệm. Ngoài ra, nếu không yêu thử thách, có lẽ Digiworld tới nay vẫn còn dậm chân tại chỗ.
Yêu thử thách không phải là hướng tới một mục tiêu cao hơn khả năng mà là dám nghĩ, dám làm những việc ngoài công thức sẵn có, sẵn sàng dấn thân vào cái mới và chấp nhận thử thách.
Digiworld đã không giới hạn mình ở ngành ban đầu mà đã mở rộng dần vào các ngành mới: Laptop, điện thoại, ngành chăm sóc sức khỏe, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng. Trong tương lai, Digiworld có thể sẽ còn tiếp tục mở rộng sang nhiều ngành khác
Đạt đến doanh nghiệp tỷ đô thì những thách thức đi kèm cũng sẽ không nhỏ. Ông có thấy lo không?
Nếu yêu thử thách, chúng ta sẽ thấy các thách thức ấy không quá nặng nề.
Mục tiêu tỷ đô có phải cũng là mục tiêu dài hơi của Digiworld?
Mục tiêu dài hơi của Digiworld là ít nhất tăng trưởng 25%/năm. Đặt mục tiêu như vậy thì thấy rất nhẹ nhàng. Nhưng nếu biết đến công thức 72 sẽ thấy, với mức tăng 24-25%/năm thì sau 3 năm sẽ tăng gấp đôi, 6 năm gấp 4, 9 năm gấp 8, 12 năm gấp 16 và 15 năm tăng gấp 32 lần...
Quả là một mức tăng trưởng khủng khiếp...
Đó là với mục tiêu 25%/năm còn thực tế thì kể từ khi thành lập tới nay, Digiworld tăng trưởng trung bình 36-37%/năm.
Những con số choáng ngợp này nói lên điều gì, thưa ông?
Nói lên rằng dù tầm nhìn lớn mà cụ thể hóa các bước đi ra thì không có giới hạn nào không thể vượt qua.
Có lẽ vẫn cần chừa chỗ cho các biến số sẽ đến?
Sẽ có biến số chứ nhưng có năm không đạt thì sẽ có năm vượt chỉ tiêu, tăng trưởng 40-50%/năm chẳng hạn.
Từ đâu mà ông khám phá mối liên kết kỳ diệu giữa mục tiêu tăng trưởng kép cộng với thời gian sẽ ra những kết quả ấn tượng này?
Công thức 72 nói rõ: Lấy số 72 chia cho phần trăm tăng trưởng kép mỗi năm thì sẽ ra số năm mà tài sản tăng gấp đôi. Khi Digiworld đạt tăng trưởng trung bình 36%/năm thì chỉ cần 2 năm là đã tăng tài sản lên gấp đôi.
Có phải vấn đề nằm ở việc doanh nghiệp có khả năng bền bỉ thực hiện mục tiêu trong dài hạn hay không?
Quan trọng là mình phải có ý tưởng thì mới có thể định ra mục tiêu phù hợp và thực hiện mục tiêu ấy. Ví dụ Digiworld muốn 15 năm nữa sẽ đạt tài sản tăng gấp 32 lần bây giờ. Nếu không biết đến công thức 72 thì đó sẽ là mục tiêu vô cùng áp lực. Nhưng vì biết đến công thức này, duy trì tăng trưởng trung bình 24%/năm là không còn khó thực hiện.
Có vẻ như đã dễ dàng hơn rất nhiều?
Đúng vậy. Nhưng không có tư duy thì không thể dẫn dắt hành động, sẽ không có khát khao, không cụ thể hóa được bước đi đạt mục tiêu.
Nhiều người đã đọc thấy công thức 72 nhưng nếu chỉ nhìn như một công thức toán học thì sẽ không nhiều ý nghĩa. Còn quay trở lại vận dụng cho tài chính cá nhân hoặc doanh nghiệp thì sẽ vô cùng giá trị.
Ông có nghĩ mình cần khắc phục những điểm gì để làm tốt hơn nữa?
Nhược điểm thì ai cũng có nhưng tổ chức tốt là lấy ưu điểm của người này bù cho nhược điểm của người kia. Mỗi con người đều có những cá tính, bất lợi khác nhau. Quan điểm ở Digiworld là tìm cách phát huy ưu điểm nhân viên.
Tôi vẫn nghĩ một người quản lý khi thành công thì nên nhìn ra cửa sổ, còn khi thất bại thì nhìn vào gương. Nhìn vào gương để nhận trách nhiệm còn nhìn ra cửa sổ để thấy thành công của mình có bóng dáng những người khác.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Thủy